Người mãi miết đi tìm ... hợp tác xã

Chủ đề thuộc danh mục 'Chia sẻ ' được đăng bởi lê thủy ngân, 03/05/2018

Người mãi miết đi tìm ... hợp tác xã

Thứ Sáu, 23/02/2018, 16:26 [GMT+7]
Một lần, khi Tạp chí Nông thôn Việt thực hiện chuyên đề về hợp tác xã (HTX), tôi được TS.Đào Thế Anh (Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực, cây thực phẩm) giới thiệu: “Viết về HTX thì nên liên hệ chị Kim Sa, chị ấy am hiểu và có nhiều nghiên cứu về mô hình HTX hay lắm đấy”!
 
Nghĩ một Tiến sĩ được một Tiến sĩ khác giới thiệu là “hay lắm đấy”, hẳn phải bận rộn và khó tiếp cận, nhưng khi tôi gửi tin nhắn mời chị viết bài cộng tác thì chị lập tức trả lời. Sau đó, từ Bình Thuận - nơi chị đang tính chuyện giúp nông dân ở đây gầy dựng một HTX trồng thanh long, chị gửi cho chuyên đề HTX một bài dài. “Chị Kim Sa” ấy chính là TS.Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 (QLNN&PTNT2). 
 
TS Võ Thị Kim Sa
TS Võ Thị Kim Sa
 
Tuổi thơ dữ dội... ngọt ngào
 
Chị sinh năm 1967 ở Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Long An (quê hương Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh). Ba chị tham gia cách mạng từ lúc má chị mang bầu chị. Sau Tết Mậu Thân 1968, ba chị đi biền biệt, rồi sau đó bị bắt. Năm chị 3 tuổi, chị được mẹ bồng ra nhà tù Phú Quốc thăm ba. Một anh quân cảnh tốt bụng, đã với tay nhận chị qua hàng rào kẽm gai và chuyền vào cho ba chị. Đó cũng là lần duy nhất trong đời chị được gặp ba. Năm 1974, ba chị hy sinh… 
 
Không còn ba, chị lớn lên trong tình yêu thương của má và ông nội. Chị thương ông nội lắm. Ngoài ba của chị, ông nội còn 3 con trai nữa, tất cả đều theo cách mạng và lần lượt hy sinh.
 
Mất hết con trai, ông nội cưng đứa cháu gái theo kiểu cưng một… thằng cháu trai đích tôn, đối xử với chị như chị là một “nam nhi đại trượng phu” vậy! Ông dạy chị chơi cờ tướng, huấn luyện chị trở thành đối thủ của ông, “rèn giũa” chị bằng những trò chơi mạnh mẽ đầy thách thức. 
 
Ngược với ông nội, má lại dạy chị tính dịu dàng, biết lắng nghe và chia sẻ với người khó khăn, đồng thời má rất chăm lo cho học vấn của chị. Chị nhớ hồi đó chị ao ước có cái nón xếp, má chị bèn giao kèo chị phải “đổi” điểm 10 mới có cái nón đó.
 
Vậy mà đến khi chị đủ “chỉ tiêu” điểm 10 thì má đi chợ về đưa cho chị… hai quyển sách! Nhờ má rèn giũa nghiêm khắc, chị học giỏi nhất trường, được tuyển thẳng vào trường cấp 3, rồi thi một nhát là đậu vào Đại học Sư phạm. Chị thiên về con số, phép tính, hình học... và mơ ước sẽ trở thành giáo viên dạy toán.
 
Thế nhưng, cuộc đời lại thay đổi ngoài sự “lập trình” của chị...
 
Vào đời với tố chất… nông dân!
 
Học vừa xong năm thứ nhất Đại học Sư phạm, năm 1986, chị Kim Sa là một trong bốn sinh viên được chọn đi du học tại Bulgaria. Chị ra tới Hà Nội thì được Bộ Giáo dục “dụ” đổi sang ngành… Xã hội học, vì đây là ngành học mà thời điểm đó Việt Nam chưa có!
 
“Đang theo khoa học tự nhiên mà chuyển sang khoa học xã hội, xoay 180 độ vậy chị làm sao thích nghi”? Câu hỏi của tôi nhận được cái bật cười to của chị: “Cũng may là mình vốn được má rèn tính kỷ luật từ nhỏ, nên cũng thích nghi tốt.
 
Hơn nữa, chính câu “ngành học mà Việt Nam chưa có” như có ma lực, thôi thúc mình dấn bước”… Ra trường với luận án tốt nghiệp đạt điểm tối đa và điểm trung bình các môn đạt loại xuất sắc, chị về nước và được Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh nhận về làm tại Phòng Nghiên cứu Công tác Xã hội. 
 
Trong một lần cùng cô Oanh đi công tác ở An Giang, chị gặp được PGS.TS Vũ Trọng Khải, lúc bấy giờ là Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ QLNN&PTNT2, và TS Nguyễn Văn Bảy, Trưởng khoa Khuyến nông và Phát triển nông thôn.
 
Suốt chuyến đi, thấy chị lân la nói chuyện với mấy chị nông dân mang “cây nhà, lá vườn” ra chợ bán mà say sưa như gặp bạn tâm giao, thầy Khải nhận xét: “Em có tố chất làm việc với nông dân đấy”! Ít lâu sau chuyến công tác ấy, thầy Khải đã đề nghị cô Oanh cho chị về đầu quân tại Trường Cán bộ QLNN&PTNT2, vì:
 
“Muốn khuyến nông hay chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng cho nông dân thì cần người hiểu tâm lý nông dân, biết lắng nghe nông dân và biết thấu hiểu nông dân”! 
 
Thế là, một lần nữa sự nghiệp của chị lại xoay chuyển 180 độ.
 
TS Võ Kim Sa (thứ hai từ bên phải) đi thực tế cùng nông dân.
TS Võ Thị Kim Sa (thứ hai từ bên phải) đi thực tế cùng nông dân.
 
“Nông dân dễ thương lắm, đứng các lớp dành cho nông dân luôn cho mình cảm giác rất khác lạ”! - chị tâm sự. “Các học viên vô tư khoe với mình đã phun cả 3 chai thuốc trừ sâu mặc dù nhu cầu chỉ cần có 2 chai, chỉ vì ra chợ thấy người ta khuyến mãi mua 3 chai thì được tặng thêm thuốc bón lá! 
 
Họ ấm ức kể cho mình nghe chuyện mất mùa thì đói kém, được mùa thì bị tư thương ép giá như thế nào… Có lần, một chị học viên kể có “ai đó” ban đêm lẻn vào vườn tiêu sắp thu hoạch của gia đình chị cắt hết gốc. Những giọt nước mắt lăn trên má chị làm mình nhói đau. Mình nghĩ phải làm sao để nông dân biết thương yêu, bảo vệ nhau, biết hợp tác cùng nhau để phát triển mạnh hơn”… 
 
Dành hết tình yêu cho... hợp tác xã!
 
“Chuyện tình” với mô hình HTX bắt đầu khi người bạn sống ở Quebec gửi cho chị một email giới thiệu anh Alain Plouffe, làm việc cho tổ chức SOCODEVI - một tổ chức phi chính phủ của Canada đang hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng xây dựng HTX Evergrowth. 
 
Đó là năm 2000, khi mô hình HTX “kiểu cũ” đang từ từ khép lại và mô hình HTX “kiểu mới” tuy đã xuất hiện trên khuôn khổ pháp lý nhưng chưa lộ diện rõ ràng trong thực tế. Như người buồn ngủ gặp chiếu manh, chị ngỡ ngàng nhận ra trong khi mình đang loay hoay với định kiến về một HTX “kiểu cũ” trì trệ, lạc hậu, năng suất thấp… thì ở bên Canada và các nước phương Tây đã có những HTX đúng như chị hằng mong đợi. 
 
Chị quyết tâm vừa làm, vừa tham gia học nghiên cứu sinh với luận án nghiên cứu về HTX. Chị mò mẫm vào internet tìm hiểu, xin tài liệu từ anh Alain và cùng anh ấy xây dựng dự án “Chung tay Phát triển HTX Việt Nam”. Năm 2007, SOCODEVI chính thức mở văn phòng dự án, cơ sở đặt ngay tại Trường Cán bộ QLNN&PTNT 2. Chị làm bán thời gian cho SOCODEVI với vai trò là Điều phối viên dự án. 
 
Giữa lúc nông dân còn ám ảnh nặng nề với mô hình HTX “kiểu cũ”, muốn thay đổi nhận thức và xây dựng tinh thần hợp tác cho nông dân là một việc khó. Sinh kế của họ quá bấp bênh, chỉ cần “sảy chân” là mất trắng nên việc tạo lập môi trường để nông dân tin tưởng và hợp tác với nhau không đơn giản chút nào. 
 
Mong muốn xây dựng được một “bằng chứng” để ai cũng thấy rằng HTX chính là công cụ giúp nông dân gia tăng sức mạnh kinh tế và có thể đùm bọc hỗ trợ nhau, chị la cà khắp các vùng quê, ăn cá đồng, lội ruộng sình cùng nông dân để dễ chia sẻ, đồng cảm và tìm chất keo liên kết họ lại với nhau. 
 
TS Võ Thị Kim Sa (hàng đứng, giữa) tại một buổi tập huấn cho nông dân.
TS Võ Thị Kim Sa (hàng đứng, giữa) tại một buổi tập huấn cho nông dân.
 
Chị lặn lội đến thăm nhiều HTX, cơ quan hỗ trợ cũng như cơ quan quản lý nhà nước về HTX ở Canada, với mục đích tìm hiểu tường tận về HTX của “người ta” để có thể sàng lọc và áp dụng vào HTX ở quê hương mình. Cuối năm 2016, từ là nhân viên của SOCODEVI, chị chuyển sang làm “đối tác” với SCODEVI trong Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam (VCED). 
 
Hiện chị là đồng giám đốc (phía Việt Nam) và sẽ gắn bó với nông dân và HTX đến năm 2021 trong dự án này.
 
“Có khi nào trong hành trình mải miết đi tìm và quảng bá mô hình ưu việt cho HTX nông nghiệp Việt, chị cảm thấy đuối hay nản”? Chị trầm ngâm: “Nhiều khi mình cũng đau đầu nhức óc bởi trở ngại nhiều quá! Ví dụ hiện nay một số người đang ca ngợi mô hình HTX có doanh nghiệp (như công ty bán phân bón, công ty thu mua nông sản) tham gia là thành viên cùng với nông dân. 
 
Họ lập luận rằng nông dân nghèo thì HTX nghèo, “mở cửa” để doanh nghiệp tham gia làm thành viên, góp vốn cao thì HTX sẽ tăng tiềm lực tài chính, phát triển kinh doanh. Nhưng mình thì lo là nông dân và các doanh nghiệp không có “nhu cầu chung”, nếu không muốn nói là trái ngược nhau.
 
Một công ty phân bón sẽ muốn bán nhiều phân bón, giá càng cao càng tốt. Ngược lại, nông dân muốn mua phân bón chất lượng tốt, số lượng vừa đủ, giá cả càng thấp càng tốt. Nếu công ty phân bón và nông dân trở thành “người cùng nhà” thì chuyện gì sẽ xảy ra khi nông dân muốn cắt hợp đồng với công ty này, chuyển sang mua phân bón từ một công ty khác? 
 
Tương tự, khi một công ty tiêu thụ nông sản và nông dân cùng góp vốn vào để đồng sở hữu một HTX, thì làm sao HTX có thể bán nông sản của mình cho công ty khác? Sẽ có những người nói chẳng khó khăn gì, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Sống “trong lòng” của nông dân nên mình biết, chuyện này sẽ càng làm gia tăng sự lệ thuộc của nông dân vào doanh nghiệp! 
 
Hẳn nhiên, doanh nghiệp và những người khuyến nghị mô hình này không ủng hộ mình. Thế nên đôi khi, mình thấy rất đơn độc! Buồn chứ, nhưng mình sẽ không đầu hàng”!
 
 
Trên bàn làm việc của chị có dán lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”. Tôi tin người phụ nữ mải miết đi tìm mô hình HTX này rồi sẽ tìm được mô hình “đối trọng” để bà con nông dân so sánh và lựa chọn - như chị vẫn hằng mong!…
 

• Được thành lập từ năm 1985, SOCODEVI là mạng lưới các HTX và tổ chức tương trợ cùng mục đích chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và tinh thần cùng hợp tác, làm giàu và san sẻ với các đối tác ở các nước đang phát triển. Hiện mạng lưới SOCODEVI bao gồm 27 HTX và tổ chức tương trợ với hơn 3,5 triệu thành viên, 35.000 nhân viên, tạo ra doanh thu khoảng 20 tỷ đô la Canada. 

• Chương trình “Chung tay phát triển HTX” bắt đầu được triển khai từ 04/2012 tại 4 tỉnh thành: An Giang, Tiền Giang, Quảng Nam và thành phố Hồ Chí Minh. Áp dụng phương pháp đồng tham gia, SOCODEVI tạo điều kiện để 22 tổ chức đối tác “đồng làm chủ” Chương trình. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ nâng cao năng lực, hoàn thiện công cụ quản lý hoặc cải thiện hiệu quả kinh doanh cho 17 HTX “kiểu mẫu” với 7.911 thành viên. Ngoài ra, lãnh đạo của 434 HTX và tổ hợp tác, đại diện cho 129.550 thành viên đã tham gia vào các hoạt động đào tạo, tập huấn của Chương trình.
 

Vũ Thùy An


ĐỂ LẠI LỜI NHẮN


Ngôn ngữ - Language

Thăm dò ý kiến






Xem kết quả

Thống kê

  • Đang online : 1
  • Ngày hôm nay : 0
  • Trong tháng này: 0
  • Tổng số lượt truy cập : 806840
  • Tổng số bài viết : 212
  • Tổng số thảo luận : 78

Đối tác

Diễn đàn nông dân hợp tác
Viet Nam Farmers' Cooperation Forum
Chủ tịch diễn đàn: Ông Lê Đức Thịnh;
Điện thoại: 0904 121 053; 
Email: leducthinh2010@gmail.com;